Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong các nhà trường
Trường THCS Hải Anh (Hải Hậu) phối hợp Công an huyện tuyên truyền phòng ngừa tai nạn, tệ nạn xã hội cho học sinh.
Để nâng cao chất lượng giảng dạy, tuyên truyền, PBGDPL trong các trường học, ngành GD và ĐT đã chỉ đạo các CSGD thường xuyên rà soát, kiện toàn đội ngũ làm công tác PBGDPL và giáo viên giảng dạy môn Giáo dục công dân bảo đảm đúng trình độ, năng lực chuyên môn; bám sát các văn bản chỉ đạo của các cấp, của ngành để ban hành kế hoạch triển khai và tổ chức thực hiện.
Công tác tuyên truyền, PBGDPL trong CSGD được thực hiện thông qua nhiều hình thức hiệu quả, thiết thực, phù hợp tình hình thực tiễn như: Đăng trên Cổng thông tin điện tử của Sở, của trường, treo băng rôn, khẩu hiệu; tập huấn tuyên truyền đảm bảo an ninh, trật tự trường học; phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong học sinh; tập huấn xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong CSGD, đặc biệt là các vấn đề tội phạm ma túy, tệ nạn xã hội, tuân thủ Luật Giao thông đường bộ...
Các trường chỉ đạo tổ chuyên môn lồng ghép, tích hợp giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức cho học sinh vào các môn học, tiết học phù hợp; nâng cao chất lượng PBGDPL, giáo dục đạo đức trong môn học Giáo dục công dân và các môn học khác. Tích cực hưởng ứng, tham gia cuộc thi “Sáng kiến bảo đảm trật tự trường học về phòng ngừa bạo lực học đường và lao động trẻ em” cấp tỉnh năm 2024. Tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy và việc dạy học tích hợp PBGDPL trong chương trình chính khóa, chương trình giáo dục ngoài giờ lên lớp.
Nhiều đơn vị có cách làm sáng tạo. Thầy Nguyễn Văn Đằng, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (Trực Ninh) cho biết: Trường thường xuyên quán triệt, tuyên truyền tới cán bộ, giáo viên và học sinh các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, của huyện về công tác đảm bảo an ninh trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; nội dung, tiêu chí cụ thể của mô hình “Trường học văn minh, học sinh thân thiện, không ma tuý và bạo lực học đường”, mô hình “Phát động đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu độc”; “Phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng”, mô hình “Giáo viên gương mẫu, phụ huynh chủ động, học sinh tích cực chấp hành nghiêm pháp luật về an toàn giao thông” do Ban Chỉ đạo 138 huyện Trực Ninh phát động. Nhà trường triển khai bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: vẽ pa nô, áp phích, khẩu hiệu, xây dựng tiểu phẩm, mời báo cáo viên của Công an huyện tuyên truyền về tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm sử dụng công nghệ cao; tổ chức một số diễn đàn điển hình như “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai”, chuyên mục sinh hoạt dưới cờ “An toàn là bạn, tai nạn là thù”...
Bên cạnh đó, trường lồng ghép nội dung cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” vào môn Giáo dục công dân (đối với lớp 12), môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật (đối với lớp 10 và 11). Những bài học, những mẩu chuyện về cuộc đời của Bác với nội dung gần gũi, dễ tiếp nhận, tạo nên sự gắn bó nội dung học tập với thực tiễn cuộc sống nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết cần thiết, cơ bản về tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, từ đó có nhận thức, thái độ và hành vi tích cực để làm theo. Đồng thời, trường tăng cường phối hợp với gia đình và xã hội qua việc lập các nhóm zalo theo lớp, khối lớp và trường với sự tham gia của Ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh và học sinh để trao đổi thông tin, cùng phối hợp giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh; qua đó đã hình thành nhu cầu, niềm tin, ý nghĩa mục đích cuộc sống, động cơ phấn đấu, học tập, rèn luyện đúng đắn, có ý thức làm chủ, ham học hỏi, cầu tiến bộ, vươn lên tự khẳng định mình.
Các nhà trường vận động cán bộ, giáo viên, học sinh tích cực tham gia các cuộc thi về pháp luật như: “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai”; tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng, chống ma túy, Luật Phòng, chống nhiễm vi-rút HIV/AIDS cho học sinh... Qua tham dự các cuộc thi giúp nâng cao nhận thức, ý thức và hiểu biết của cán bộ, giáo viên và học sinh về việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ, phòng, chống ma túy cho bản thân và gia đình.
Các nhà trường phối hợp với lực lượng Công an các cấp để tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng, chống ma túy, Luật Phòng, chống nhiễm vi-rút HIV/AIDS cho học sinh; xử lý các vi phạm về an toàn giao thông của học sinh: vi phạm Luật Giao thông đường bộ như việc điều khiển xe trên 50 phân khối nhưng chưa có bằng lái; việc đi xe máy điện, xe gắn máy nhưng chưa đủ 16 tuổi; việc đi xe không có gương chiếu hậu; việc đi xe không đăng ký xe...; xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình “Giáo viên gương mẫu, phụ huynh chủ động, học sinh tích cực chấp hành nghiêm pháp luật về an toàn giao thông”. Thường xuyên kiểm tra, mua sắm bổ sung các trang thiết bị, dụng cụ phòng cháy, chữa cháy; xây dựng mô hình “Camera an ninh”, thời gian làm việc 24/24, đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác đảm bảo an ninh trật tự trong các nhà trường.
Ngoài ra, các nhà trường còn phối hợp các ngành chức năng tuyên truyền, phổ biến về Bộ luật Hình sự; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em; Luật Phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em; Luật Phòng, chống ma tuý; Luật Bảo vệ môi trường; Pháp lệnh Phòng, chống hút thuốc lá và các tệ nạn xã hội khác cho giáo viên, học sinh. Phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên nhà trường trong việc tuyên truyền, PBGDPL. Đoàn Thanh niên thành lập Ban quản sinh để theo dõi việc chấp hành nội quy, nền nếp nhà trường, tổ chức các hoạt động tập thể, thúc đẩy sinh hoạt thông qua các câu lạc bộ, hội nhóm trên các trang mạng xã hội Zalo, Facebook phục vụ việc trao đổi học tập và tuyên truyền phòng, chống tội phạm, tiêu biểu như: chuyên đề “Sử dụng mạng xã hội hiệu quả, an toàn”, “Thực trạng và giải pháp nâng cao nhận thức pháp luật cho học sinh khi sử dụng mạng xã hội Facebook”, tiêu biểu như ở các trường: THPT Lê Quý Đôn (Trực Ninh), THPT Nguyễn Huệ, THCS Trần Đăng Ninh (thành phố Nam Định)... Năm 2023, Trường THPT Nguyễn Trường Thúy (Xuân Trường) và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh phối hợp tổ chức “Phiên toà giả định” về nội dung phòng, chống bạo lực học đường với sự tham gia của hơn 500 học sinh nhà trường; Trường THPT Giao Thủy phối hợp Tòa án nhân dân huyện Giao Thủy tổ chức cho học sinh tham dự phiên tòa lưu động xét xử vụ án vận chuyển hàng cấm (pháo nổ) và tàng trữ, sử dụng ma túy tổ chức tại trường; các trường THPT phối hợp với Đoàn Thanh niên Công an tỉnh tuyên truyền pháp luật phòng ngừa tội phạm và tệ nạn ma túy, tội phạm hình sự, phòng cháy, chữa cháy, quy định về quản lý và sử dụng pháo, trật tự, an toàn giao thông...
Việc tăng cường tuyên truyền, PBGDPL trong các nhà trường đã tạo chuyển biến, nâng cao hiểu biết pháp luật trong cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh. Hầu hết các trường học đều đã có tủ sách pháp luật. 100% CSGD đã xây dựng kế hoạch công tác PBGDPL từ đầu năm học; có các giải pháp phòng ngừa các hành vi bạo lực, vi phạm chuẩn mực đạo đức, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; phối hợp giữa nhà trường với chính quyền địa phương, nhất là lực lượng công an trong việc đảm bảo an ninh, an toàn trường học; tuyên dương các điển hình người tốt, việc tốt để tăng sức lan tỏa trong toàn trường và xã hội. Nhờ đó, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, giáo viên, học sinh ở các trường học trong tỉnh đã có chuyển biến tích cực, góp phần củng cố, giữ vững nền nếp, kỷ cương trường học, tạo môi trường giáo dục lành mạnh; giảm tình trạng vi phạm pháp luật trong học sinh.
Theo baonamdinh.vn