Cầu Thiên Trường nối từ
đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi, thành phố Nam Định. (Ảnh Thành Trung)
Truyền thống kiên cường
- bản lĩnh bứt phá
Với bề dày truyền thống lịch
sử hào hùng và chiều sâu của vùng đất văn hiến hiếu học, yêu nước
và cách mạng, Nam Định sở hữu kho tàng di sản phong phú với hơn
1.330 di tích lịch sử văn hóa, 90 làng nghề truyền thống, hơn 100 lễ hội đặc sắc.
Nằm ở vị trí chiến lược trong tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng
Ninh cùng hệ thống sông ngòi trù phú, 72km bờ biển… đã tạo nền tảng vững chắc để
Nam Định bước vào thời kỳ phát triển toàn diện.
Từ truyền thống kiên cường
trong chiến đấu, cần cù trong lao động, Nam Định bước vào thời kỳ đổi mới với
tinh thần tự lực, tự cường. Được sự quan tâm của Trung ương, sự sáng tạo, quyết
tâm bứt phá của tỉnh, những "điểm nghẽn" trở ngại về hạ tầng,
nguồn lực hạn chế, kết nối liên vùng yếu dần được khắc phục trong những nhiệm kỳ
gần đây. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, hiện đại hóa nông nghiệp, phát
triển công nghiệp, dịch vụ, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân. Đồng chí Phạm
Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: “Bước vào nhiệm kỳ
2020-2025, Nam Định đặt ra mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá vào năm
2030 và là động lực kinh tế vùng Nam đồng bằng sông Hồng (ĐBSH). Để thực hiện
khát vọng đó, tỉnh tập trung xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, phát huy sức
mạnh toàn dân và triển khai 3 đột phá chiến lược: phát triển hạ tầng đồng bộ; cải
cách hành chính, chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh; khai thác hiệu quả
tiềm năng kinh tế biển".
Trong bối cảnh nguồn lực
còn hạn chế, Nam Định chủ trương tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào
các công trình hạ tầng chiến lược, nhất là giao thông. Hàng loạt dự án giao
thông trọng điểm như: đường bộ ven biển, trục phát triển nối vùng kinh tế biển
với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường
bộ ven biển… góp phần rút ngắn thời gian vận chuyển, giảm chi phí
logistics và tạo đà phát triển công nghiệp ven biển. Cao tốc Hà Nam - Nam Định
(CT.11) và Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng (CT.08) sắp khởi công
và tuyến đường trục cảnh quan kết nối Nam Định - thành phố Hoa Lư đang được
nghiên cứu đề xuất lập dự án xây dựng… sẽ đưa Nam Định vào mạng lưới cao tốc quốc
gia, kết nối Đông - Tây và Bắc - Nam một cách hoàn chỉnh. Đặc biệt, tuyến kênh
nối Đáy - Ninh Cơ đi vào hoạt động từ tháng 7/2023 đã giúp tàu chở container trọng
tải lớn đi qua an toàn, rút ngắn 5 giờ vận chuyển hàng hóa, tạo “cú hích” cho vận
tải thủy và kinh tế biển khu vực. Hạ tầng giao thông hiện đại đang đưa Nam Định
thành đầu mối kết nối vùng, đồng thời trở thành tâm điểm hút dòng vốn đầu tư,
huyện Giao Thủy từ vị trí vùng “đuối” về giao thông đã lội ngược dòng vươn
lên mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm đầu tư của các tập đoàn lớn như VSIP,
SunGroup, VinGroup…
Tỉnh đã chủ động quy hoạch
và tích cực thu hút, thúc đẩy tiến độ đầu tư phát triển hệ thống khu công nghiệp
(KCN), cụm công nghiệp (CCN) theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 với tổng số
16 KCN, tổng diện tích 2.546ha, 46 CCN với tổng diện tích 2.603,7ha, tập
trung dọc các trục giao thông chính, kết nối thuận lợi với Hà Nội, Hải Phòng
giúp tối ưu hóa chuỗi cung ứng sản xuất công nghiệp. Tiêu biểu như KCN Mỹ Thuận
(158,48ha), chỉ sau thời gian ngắn khởi công đã thu hút loạt nhà đầu tư “đại
bàng” trong lĩnh vực công nghệ cao như Quanta Computer, JiaWei, Sunrise
Material… đến "làm tổ". Đồng thời tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư
chuẩn bị các điều kiện liên quan để trong năm 2025 khởi công xây dựng 4 KCN trọng
điểm với tổng diện tích 580ha gồm: Trung Thành (Ý Yên), Hải Long (VSIP Nam Định)
giai đoạn 1 (Giao Thủy), Xuân Kiên giai đoạn 1 (Xuân Trường), Minh Châu giai đoạn
1 (Nghĩa Hưng) theo hướng hiện đại, đồng bộ và bền vững. Bên cạnh đó, tỉnh cũng
chú trọng thúc đẩy xây dựng Khu kinh tế (KKT) Ninh Cơ để tạo không gian thu hút
các doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, KKT Ninh Cơ
(13.950ha) thuộc các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu đã được Thủ tướng phê duyệt
thành lập tại Quyết định số 88/QĐ-TTg ngày 14/1/2025 sẽ là cực tăng trưởng đa
ngành, đa chức năng mới của khu vực Nam ĐBSH. Giai đoạn 1 (2024-2026) đang
được các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai, chuẩn bị hạ tầng, quỹ đất,
cơ chế chính sách sẵn sàng đón làn sóng đầu tư lớn.

Toàn cảnh Nhà máy Quanta,
KCN Mỹ Thuận. (Ảnh Viết Dư)
Sức bật thu hút đầu tư
FDI, chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Giai đoạn 2020-2025 nói
chung, đặc biệt hai năm 2023-2024 đánh dấu sự bứt phá của Nam Định trong
thu hút đầu tư với tổng số 54 dự án FDI cấp phép mới và tăng vốn, tổng vốn
đăng ký mới và bổ sung 586 triệu USD. Trong quý I/2025, tiếp tục cấp mới và điều
chỉnh cho 11 dự án FDI với tổng vốn 227 triệu USD. Nhiều dự án lớn công nghệ
cao và công nghệ xanh đến từ các doanh nghiệp tầm cỡ, thương hiệu toàn cầu đã
và đang đi vào hoạt động, trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế địa
phương, giúp ngành công nghiệp của tỉnh chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng hiện đại
hóa, khẳng định vị thế mới trong chuỗi giá trị quốc gia và toàn cầu, như: Dự án
nhà máy sản xuất máy tính và thiết bị ngoại vi do Quanta Computer Inc., (Đài
Loan - Trung Quốc), là doanh nghiệp thuộc nhóm 500 tập đoàn lớn nhất thế giới
do Tạp chí Fortune xếp hạng, đầu tư tại KCN Mỹ Thuận. Đây là một trong những dự
án lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ cao của tỉnh với tổng vốn đầu tư 120 triệu
USD, công suất tăng nhanh chóng, dự kiến cuối năm 2025 sẽ tạo được 9.000
việc làm và dự kiến đạt doanh thu lên đến 9 tỷ USD/năm vào năm 2028. Tập đoàn
Toray (Nhật Bản) vận hành nhà máy vải công nghệ cao tại KCN Dệt may Rạng Đông,
công suất hướng tới 120 triệu mét vải/năm, củng cố vị thế Nam Định là trung tâm
dệt may hàng đầu miền Bắc. Tập đoàn Xuân Thiện đang tích cực triển khai Tổ hợp
3 dự án thép xanh trị giá gần 99 nghìn tỷ đồng tại Nghĩa Hưng, ứng dụng công
nghệ cao, bảo đảm phát triển bền vững. Bên cạnh các nhà đầu tư chiến lược,
doanh nghiệp nội tỉnh cũng bứt phá mạnh mẽ, với nhiều sản phẩm chủ lực như dược
liệu, đông y, may mặc, chế biến gỗ, cơ khí đúc, chế biến thực phẩm… vươn lên đứng
top đầu khu vực và giữ vững vị thế xuất khẩu.
Trong lĩnh vực nông nghiệp,
Nam Định bứt phá mạnh từ tái cơ cấu nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao và
phát triển chuỗi giá trị bền vững, từng bước hội nhập sâu với thị trường quốc tế.
Trong đó đã hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu lớn, áp dụng tiêu chuẩn
VietGAP, GlobalGAP, công nghệ Nhật Bản và triển khai 459 mô hình “Cánh đồng lớn”
trên diện tích hơn 21 nghìn ha. Các sản phẩm gạo hữu cơ, gạo vi sinh đạt giá trị
cao gấp 1,5-5 lần so với sản phẩm truyền thống, chinh phục những thị trường khó
tính như EU và Nhật Bản. Cùng với trồng trọt, Nam Định đẩy mạnh chăn nuôi
an toàn sinh học với việc ngày một tăng thêm số cơ sở đạt chuẩn an toàn dịch bệnh,
sản lượng thịt hơi đạt 142 nghìn tấn/năm. Thủy sản cũng ghi dấu ấn với sản lượng
220 nghìn tấn/năm, xây dựng được vùng nuôi ngao đầu tiên trên thế giới
đạt chứng nhận ASC. Hàng loạt doanh nghiệp tiêu biểu như Công ty TNHH Toản Xuân
(Ý Yên), Công ty TNHH Minh Dương (thành phố Nam Định), Công ty TNHH Lenger Việt
Nam đang tiên phong trong sản xuất, chế biến sâu và xuất khẩu, đưa nông sản Nam
Định vươn xa trên bản đồ toàn cầu. Mô hình liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác
xã và nông dân ngày càng chặt chẽ, cùng với việc đẩy mạnh thương mại điện tử đã
mở rộng thị trường, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của nông sản địa phương.
Tỉnh đã tích cực áp dụng chiến lược phát triển hài hòa giữa bảo tồn truyền thống
và hiện đại hóa sản phẩm du lịch, từng bước khẳng định vị thế mới trong “ngành
công nghiệp không khói” của vùng ĐBSH. Các khu di tích lịch sử - văn
hóa Đền Trần, Phủ Dầy... cùng các lễ hội truyền thống đã trở thành điểm đến
thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh
phát triển các sản phẩm du lịch mới: Du lịch trải nghiệm đồng quê; du lịch làng
nghề truyền thống, du lịch cộng đồng tại Giao Thủy, Hải Hậu, du lịch nông
thôn mới (NTM) đang mở ra những hành trình khám phá đời sống, văn hóa địa
phương đầy hấp dẫn. Vườn quốc gia Xuân Thủy - khu Ramsar đầu tiên của Việt Nam
- cũng trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách yêu thiên nhiên và nghiên cứu
sinh học. Thành phố Nam Định được xây dựng thành trung tâm kết nối các
vùng du lịch trọng điểm như khu Tây Bắc (du lịch lịch sử - văn hóa) và Đông Nam
(du lịch biển, sinh thái). Cùng với đầu tư hạ tầng hiện đại, hệ thống nghỉ dưỡng,
khu vui chơi giải trí tại Thịnh Long, Quất Lâm, Rạng Đông được nâng cấp, tạo
nên hệ sinh thái du lịch đa dạng, bền vững.
Những nỗ lực vượt bậc đã
đưa kinh tế Nam Định liên tục tăng trưởng cao trong nhiệm kỳ qua. Năm
2024 là năm thứ 2 liên tiếp tốc độ tăng GRDP của Nam Định đạt 2 con số
với mức 10,01%, nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước (đứng thứ 9 cả nước
và thứ 4 vùng ĐBSH). Quý I/2025, GRDP của tỉnh theo giá so sánh 2010 ước đạt
14.632 tỷ đồng, tăng 11,86% so với cùng kỳ năm 2024, đây là mức tăng trưởng quý
I cao nhất từ trước đến nay; xếp thứ 1 vùng ĐBSH và thứ 3 cả nước.
Cuộc sống người dân Nam Định,
nhất là ở vùng nông thôn ngày càng nâng cao qua phong trào xây dựng
NTM nâng cao, kiểu mẫu. Bằng cách chọn đúng khâu đột phá, lắng nghe dân, khơi dậy
sức dân, đã biến người dân thành chủ thể vừa góp sức, vừa hưởng thành quả. Nhờ
đó, Nam Định duy trì vị trí nhóm đầu cả nước về xây dựng NTM, với 3 huyện (Giao
Thủy, Xuân Trường, Trực Ninh) đạt chuẩn NTM nâng cao; 143 xã đạt chuẩn NTM nâng
cao (97,95%) và 54 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (37%), nhiều xã nổi bật ở các lĩnh
vực giáo dục, chuyển đổi số, văn hóa, y tế, sản xuất… Thành tích trong tốp đầu
cả nước về chất lượng giáo dục phổ thông, đặc biệt khẳng định là cái nôi
đào tạo nhân lực chất lượng cao cho cả nước.
Chất lượng trong cung ứng
dịch vụ công, môi trường kinh doanh, học tập và làm việc không ngừng được
cải thiện. Nam Định đã có những bước tiến đáng kể trong chuyển đổi số, với kết
quả đột phá ở chỉ số thành phần về Xây dựng Chính quyền điện tử, Chính quyền số
trong bộ Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2024 do Bộ Nội vụ mới công
bố, tỉnh Nam Định dẫn đầu toàn quốc về Chỉ số Xây dựng Chính quyền điện tử,
Chính quyền số năm 2024 với điểm chỉ số đạt mức 95,99%, cao hơn 5,24%, tăng 6 bậc
so với năm 2023. Trên bình diện đánh giá đo lường và so sánh trải nghiệm và cảm
nhận của người dân về hiệu quả, chất lượng thực thi chính sách và cung cấp dịch
vụ công của chính quyền địa phương điểm chỉ số PAPI năm 2024 của tỉnh đạt 44,35
điểm, xếp thứ 20 trên toàn quốc, nằm trong nhóm trung bình cao của cả nước. Nam
Định cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành sắp xếp đơn vị hành
chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, giữ vững ổn định, đoàn kết, tạo nền
tảng cho phát triển lâu dài.
Tròn nửa thế kỷ đất
nước hòa bình, thống nhất để tập trung dựng xây, kiến thiết và phát triển. Nam
Định hòa cùng cả nước, với sức mạnh hun đúc từ truyền thống lịch sử cách mạng
hào hùng và khát vọng vươn lên, vững vàng bứt phá, đóng góp xứng đáng vào
sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh, hùng cường.
Theo baonamdinh.vn