image bannerimage banner
Thầm lặng góp công lớn cho Chiến thắng Điện Biên Phủ
Lượt xem: 59

Trong suốt 9 năm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, ngoài những chiến sĩ trực tiếp cầm súng tham gia chiến dịch còn có hàng vạn “người lính” - những người dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong… dù không trực tiếp cầm súng chiến đấu nhưng với “vũ khí” là lòng yêu nước, là đòn gánh trên đôi vai gầy, đôi chân trần… ngày đêm thầm lặng tải súng đạn, lương thực, vật tư từ hậu phương phục vụ chiến trường.

 

Binh đoàn xe đạp thồ trên đường ra chiến dịch.
            Ảnh: TTXVN
Binh đoàn xe đạp thồ trên đường ra chiến dịch. Ảnh: TTXVN

Sinh năm 1927, năm nay đã gần trăm tuổi nhưng khi được hỏi về những kỷ niệm tham gia phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, ánh mắt, nụ cười của ông Nguyễn Văn Lân, xóm 6, xã Nam Dương (Nam Trực) vẫn bừng lên. Ông cho biết, khi còn trẻ, ông cũng đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ nhưng không đủ điều kiện sức khỏe. Cuối năm 1953, thực hiện chủ trương tổng động viên phục vụ chiến trường của cấp trên, ông Nguyễn Văn Lân xung phong tham gia dân công hỏa tuyến. Bắt đầu từ tháng 8-1953, ông Lân cùng hơn 90 thanh niên của huyện Nam Trực đi bộ ròng rã hơn 2 ngày qua bến đò Đế sang chợ Gạo (Vụ Bản), qua tiếp đò bến Mới (Ý Yên) đến điểm tập kết tại Nho Quan (Ninh Bình). Nhiệm vụ chủ yếu của ông Lân là vận chuyển lương thực, súng đạn, vật tư từ Nho Quan lên trạm tập kết ở tỉnh Hòa Bình. Phương thức vận chuyển chủ yếu là gánh, khiêng, mọi người phải chặt tre, nứa làm đòn gánh; bện dây rừng để chằng buộc hàng hóa; mỗi người ít nhất đảm nhận trọng lượng từ 20-30kg (chưa kể khẩu phần lương thực cá nhân); đối với những thùng hàng nặng từ 40-50kg trở lên thì phải 2 người khiêng. Để đảm bảo bí mật, trong hoàn cảnh địch đánh phá ác liệt nhằm ngăn chặn tiếp tế của hậu phương cho tiền tuyến, đoàn dân công hỏa tuyến của ông Lân thường chuyển hàng vào ban đêm, hiếm khi vận chuyển được vào ban ngày. Nếu có đi ban ngày thì phải cắt rừng mà đi, theo lối mòn, nhiều đoạn mới mở nên vẫn còn đất đá, gốc cây lởm chởm, rất khó đi. Vì thế, chỉ sau vài chuyến hàng, giày dép rách hết, ông Lân và đồng đội phải lội chân trần mà băng rừng, vượt suối chuyển hàng với quãng đường bình quân từ 15-20km/ngày. Cao điểm có ngày để kịp chuyển hàng phục vụ tiền tuyến, đội dân công hỏa tuyến phải hoàn thành quãng đường đến 30km mới đến chặng nghỉ, dựng lán, nấu ăn. Khẩu phần của mỗi người là 1kg gạo/ngày, ăn với cá khô và rau rừng; về sau, khi chiến cuộc bước vào căng thẳng, cá khô cũng không phát kịp nên nhiều bữa ông Lân và hàng nghìn dân công hỏa tuyến chỉ ăn cơm với muối trắng. Khó khăn, gian khổ, ác liệt là thế nhưng không thể ngăn cản ý chí quyết tâm của đoàn với khát vọng độc lập, tự do. Ông Lân khẳng định chắc nịch: Nếu một người cân nặng chưa tới 40kg như tôi, gồng gánh trên vai trọng lượng bằng một nửa cho tới 2/3 cơ thể, ngày nào cũng phải đi bộ hàng chục cây số mà đi một mình hoặc đi với một nhóm người nhỏ thì không thể hoàn thành. Tuy nhiên, với hàng nghìn con người như tôi, từ khắp mọi miền đất nước tề tựu, với khí thế “chị hát, anh hò” động viên, san sẻ gánh nặng với nhau trên từng cung đường, cả lúc khỏe lẫn lúc mệt; thì có thể làm điều tưởng như phi thường!

Với khí thế hừng hực chi viện cho tiền tuyến cả sức người, vật tư trong những năm kháng chiến chống Pháp mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, mỗi người dân Nam Định có cách riêng của mình để góp phần công sức nhỏ bé của mình vào thắng lợi chung của cả dân tộc. Không có đủ sức khỏe để tham gia dân công hỏa tuyến phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ vì chỉ nặng 33kg, bà Trần Thị Minh Lương, sinh năm 1935, ngụ tại số 7/128 đường Điện Biên, thành phố Nam Định theo sự phân công của tổ chức ở lại hậu phương tham gia du kích và các tổ chức đoàn thể thực hiện nhiệm vụ vừa sản xuất, vừa chiến đấu, vừa tuyên truyền, vận động, thuyết phục, tổ chức cho hàng trăm lượt thanh niên lên đường tòng quân trực tiếp ra chiến trường chiến đấu hoặc tham gia dân công hỏa tuyến.

Ông Nguyễn Văn Lân, xóm 6, xã Nam Dương (Nam Trực) ôn lại kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ông Nguyễn Văn Lân (thứ hai từ trái sang), xóm 6, xã Nam Dương (Nam Trực) ôn lại kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Nam Định, từ năm 1953, phong trào thanh niên xung phong tòng quân phát triển sôi nổi, đều khắp ở các thôn, xã trong tỉnh. Nhiều thanh niên ở thành thị ra vùng căn cứ nộp đơn tòng quân. Nhiều địa phương đã vượt chỉ tiêu giao quân và tổ chức chu đáo cho con em ra chiến trường đánh giặc. Việc đóng góp sức của, chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ cũng bừng lên, sôi nổi, trên nhiều mặt. Vụ chiêm xuân 1954, toàn tỉnh đã cấy thêm được 3.529 mẫu ruộng; đóng thuế nông nghiệp được 9.348 tấn thóc, đạt 80% mức huy động cả năm và vượt mức chỉ tiêu Liên khu giao, kịp thời chi viện lương thực cho tiền tuyến. Mặc dù địch ra sức đánh phá ngăn cấm không cho đưa nhu yếu phẩm quan trọng như thuốc chữa bệnh, sợi, dầu hoả, thóc gạo, vải vóc... từ vùng tạm bị chiếm ra vùng tự do, nhưng ta vẫn khơi thêm được nguồn hàng, hướng dẫn hoạt động cho những người buôn bán, điều hoà giá cả thị trường, nhập và xuất từ vùng tự do được nhiều hàng hoá phục vụ kháng chiến và đời sống nhân dân. Cùng với quân dân các tỉnh phía Bắc, hàng vạn dân công Nam Định tấp nập thồ lương, tải đạn ra phía trước. Với khẩu hiệu “Tất cả cho Điện Biên Phủ chiến thắng”, nhân dân Nam Định đã huy động hàng nghìn tấn gạo, hàng trăm cân đậu, lạc, vừng, hàng nghìn bánh thuốc lào, hàng nghìn kg muối, cá, tôm khô gửi tới các chiến sĩ. Tổng kết lại, trong 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp, gần 19 nghìn người con quê hương Nam Định đã lên đường nhập ngũ cùng hơn 20 nghìn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Từ hậu phương, Nam Định đóng góp 70 nghìn tấn lương thực, hàng nghìn tấn thực phẩm, hàng triệu mét vải cùng nhiều vật chất, tiền của, hàng hóa cho kháng chiến; góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi vẻ vang.

Sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, hòa bình lập lại, ông Lân trở về địa phương tham gia công tác với vai trò xã đội trưởng, đội trưởng sản xuất; bà Lương về làm công nhân ở các Xí nghiệp Ươm tơ Nam Định, Xí nghiệp Dệt Dân Sinh, Nhà máy Giấy và tham gia lực lượng tự vệ của nhà máy… Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, mà cao điểm là hai lần giặc leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc, những con người ấy lại tiếp tục vừa sản xuất, vừa chiến đấu bảo vệ quê hương… Hàng nghìn con người bình dị, với những đóng góp thầm lặng, nhỏ bé của mình đã góp phần tạo nên sức mạnh phi thường chiến thắng kẻ thù hùng mạnh, bảo vệ và dựng xây quê hương Nam Định “ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như lời Bác kính yêu hằng mong./.

Theo BaoNamDinhVN

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH NAM ĐỊNH
Địa chỉ: số 55 đường Vị Hoàng, Tp Nam Định, tỉnh Nam Định
Điện thoại: 0228.3849308 - Fax: 0228.3840496
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nam Định cấp ngày 16/5/2018
Email: trangthongtintinhuy@namdinh.gov.vn
Vui lòng ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Nam Định" khi phát hành lại thông tin từ website này!

Chung nhan Tin Nhiem Mang